Từng là thánh địa bất khả xâm phạm đối với người dân Mường Động, khu mộ đá cổ Đống Thếch (xã Vĩnh Đồng, Kim Bôi, Hòa Bình) với những chuyện ma mị đồn thổi đã trở thành nỗi khiếp sợ của người dân.
Câu truyện ly kỳ ở Mường Động
Theo ghi chép lịch sử còn để lại, Mường Động xưa kia là một trong bốn vùng Mường cổ. Mường Động gốc ở xã Vĩnh Đồng ngày nay. Thời phong kiến, nơi đây tồn tại một thiết chế lang đạo được cai trị bởi các dòng họ quý tộc như: Đinh, Quách, Bạch, Hà. Cai trị Mường Động chính là dòng họ Đinh mà người đứng đầu là Đinh Như Lệnh. Trong hàng trăm năm, dòng họ Đinh từ đời này qua đời khác đều nắm giữ chức Thổ tù cai quản Mường Động.
Cho đến đời thứ 8, do lập nhiều công lớn nên Đinh Công Kỷ (sinh năm 1582) được vua Lê sắc phong chức “Đô đốc oai lộc hầu”, đời đời nối nghiệp làm phiên thần cai quản dân binh 7 xã. Họ Đinh cũng được đổi thành Đinh Công. Song, với uy quyền trong tay, dòng họ Đinh Công ngày càng bộc lộ rõ sự dã man, tàn bạo. Đối với người dân Mường Động lúc bấy giờ, tất cả những gì thuộc về nhà Lang đều nhuốm một vẻ huyền bí đến đáng sợ.
Ông Bùi Đức Òm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đồng kể lại, nhà Lang tàn bạo, dã man đến mức, ngay cả trong những câu chuyện truyền miệng của người dân trong vùng cũng gắn cho dòng họ này một vẻ ma quái khiến nhiều người sợ hãi. Trong đó được kể nhiều nhất chính là đám tang của một vị lang. Khi hay tin lang chết, hàng chục voi khỏe được lệnh kéo đá từ tận xứ Thanh về để dựng mộ cho lang tại khu vực Đống Thếch. Ngày lang qua đời, chôn cùng lang là 5 voi, 7 người và đặc biệt phải có 50 đồng nam, 50 trinh nữ bị chôn sống để theo hầu lang ở bên kia thế giới.
Để bảo vệ kho báu của mình, 50 đồng nam và 50 trinh nữ kia bị chôn sống trong 100 ngày. Thời gian đó, những người bị chôn sống sẽ được tiếp lương thực và nước uống bằng những ống tre cắm sẵn. Sau 100 ngày, những chiếc lỗ bị bịt kín để mặc cho những người này chết dần trong nỗi oán hận. Chính vì thế các cụ cao niên xưa vẫn dạy con cháu không được lại gần Đống Thếch vì sợ ma bắt.
Đống Thếch được cho là có dáng miệng rồng, xưa kia đâu đâu cũng là những cây đại thụ che bóng, quanh năm không có ánh sáng. Với diện tích lên tới 3 ha, Đống Thếch được chia làm hai khu mộ nổi và mộ chìm. Mộ nổi với những bia, cột đá cao tới vài mét tách biệt hẳn tại khu trên là nơi chôn những người có vai vế trong họ lang. Mộ chìm ở khu dưới chỉ được quây bằng những phiến đá bé. Chính những bia đá đã trở thành dấu ấn biểu hiện uy quyền bất khả xâm phạm, cảnh báo bất cứ sự xâm nhập nào của người dân. Cho đến sau năm 1945, khi quân đội giải phóng vào khai phá khu vực Mường Động, những bí ẩn xung quanh khu mộ đá mới dần dần được hé lộ.
Anh Bùi Văn Luân (phụ trách văn hóa xã Vĩnh Đồng) cho biết, ngôi mộ của Lang Đinh Công Kỷ đã bị trộm đào xới, khuân cả những phiến đá to có khắc chữ đi. Giờ cả khu mộ chỉ còn lác đác vài cột đá chữ không còn rõ nét, nhiều ngôi đã bị san phẳng.
Trời về tối khu mộ càng trở nên lạnh lẽo. Những người nông dân được giao trồng hoa màu tại khu vực cũng nhanh chóng kéo nhau ra về trả lại cho khu mộ vẻ đìu hiu, cô quạnh. Anh Luân kể, khi khu mộ được phát hiện, nhiều kẻ đào trộm mộ tìm về đây với hàng đoàn người ngựa, cuốc thuổng mong kiếm chác từ những thứ đồ cổ. Hôm sau, cả đoàn người ngựa biến mất một cách kỳ bí.
Sự vào cuộc của khoa học sau bí ẩn Mộ đá Đống Thếch
Trước những lời đồn thổi mê tín dị đoan cùng việc đào trộm mộ, từ năm 1972 đến năm 1975, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã có những bước nghiên cứu và tìm hiểu về các khu mộ Mường ở bốn vùng Mường lớn là Mường Bi (Tân Lạc), Mường Vang (Lạc Sơn), Mường Thàng (Kỳ Sơn), Mường Động (Kim Bôi) thuộc tỉnh Hòa Bình. Trong đó, mộ đá Đống Thếch được đánh giá có quy mô và giá trị nghiên cứu hơn cả.
Khu mộ cổ Đống Thếch hiện được chia làm hai khu nhỏ trong đợt khai quật, khu A có 15 ngôi mộ có dạng tròn hoặc vuông với các dãy đá bao quanh. Đầu mộ thường chôn ba hòn đá cao to thành một hàng thẳng. Trên các hòn đá thường ghi tên tuổi, công trạng,ngày mất của người dưới mộ. Khu B, theo kết quả khảo cổ tìm thấy 7 ngôi mộ quy mô không lớn bằng khu A.
Trong nhiều lần khảo cổ, các nhà khoa học còn tìm thấy rất nhiều vật tùy táng, là đồ dùng chôn theo người chết, với các loại trang sức, đồ dùng bằng gốm sứ, bằng đồng… có giá trị lịch sử và khảo cổ học. Từ những nghiên cứu trên, khu mộ cổ Đống Thếch đã mở ra rất nhiều điều còn bí ẩn trong các phong tục, sinh hoạt, đồ dùng, trang phục… của người Mường, đặc biệt trong tầng lớp lang đạo ngày xưa.
Trong đợt khai quật khảo cổ học năm 1984, các nhà khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa học đã làm sáng tỏ những bí ẩn của khu mộ đá Đống Thếch. Nhiều hiện vật được phát lộ đã cho thấy sự phát triển khá hưng thịnh của chế độ Lang đạo thời kỳ phong kiến. Những chiếc trống đồng sông Đà được phát hiện ở khu mộ cổ càng khẳng định sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa Hòa Bình trên vùng đất Vĩnh Đồng qua các thời kỳ lịch sử.
Hiện, tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình đã sưu tầm, lưu giữ và bảo quản được 207 hiện vật bằng gốm sứ như bát, đĩa, lọ, chậu…, 260 hiện vật đồ đồng gồm tiền, gương, vòng, hoa tai…, 11 hiện vật bạc, đặc biệt là xương voi, xương ngựa và nhiều hình nộm được chôn làm đồ tùy táng.
Ông Bùi Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Đồng cho biết, sau các đợt khai quật, những lời đồn thổi về việc chôn người sống đã dần bị xóa bỏ, không hề có một lượng lớn di cốt như lời đồn đại. Nhưng cũng từ đó, nạn đào trộm mộ lại rộ lên. Có thời điểm hàng trăm người cùng máy dò kim loại lật tung cả khu mộ. Nhiều hiện vật quý đã bị mang đi. Đến nay, khu mộ chỉ còn lác đác vài cột đá, không còn hiện vật nên ngôi nhà dùng để trực bảo vệ cũng bị bỏ hoang. Cổng sắt bị người dân tháo ra bán sắt vụn. Giờ khu di tích khảo cổ học cấp quốc gia được giao cho các hộ gia đình cựu chiến binh vừa cấy hái, vừa trông nom.
Khu mộ đá cổ Đống Thếch đã “rỗng ruột” và có nguy cơ trở thành một khu phế tích, người dân không còn tin vào những chuyện ma quỷ đồn đại, nhưng cũng chẳng mấy mặn mà với khu di chỉ khảo cổ đậm dấu ấn văn hóa Mường này.
Xem thêm: Nghi lễ mai táng của người Thổ ở Giai Xuân, Tân Kỳ, Nghệ An