Có nhiều hình thức mai táng người chết khiến cho người ta phải rùng mình khi chứng kiến lễ mai táng người chết đó. Điểu táng, khiêu vũ cùng xác chết hay ăn tro cốt của người đã chết là một trong số những hình thức mai táng đáng sợ đó.
Điểu táng (Jhator)
Điểu táng hay còn gọi với cái tên khác là Thiên táng, là một hình thức mai táng người chết của người Tây Tạng vẫn được duy trì tới ngày nay. Điểu táng là một trong những nghi thức mai táng đáng sợ nhất trên hành tinh.
Theo đó, thi thể của người chết sau khi qua đời được gia đình đem lên ngọn núi cao nhất quanh làng. Điều nay cũng một phần giải thích cho cái tên Thiên táng – ý là đưa lên gần đến trời nhất. Tại nơi thực hiện lễ tang, người ta sẽ thực hiện róc thịt, đập nát xương và cơ của thi thể người chết. Việc này là để thu hút đàn kền kền núi sà xuống ăn xác của người đã chết (giải thích cái tên Điểu táng). Trong khi đó người thân của người đã chết sẽ ngồi xung quanh nơi thực hiện lễ tang để đọc kinh cầu nguyện.
Ngày nay, tục mai táng độc đáo của người Tây Tạng đã chính thức được công nhận và bảo vệ nhưng nó cũng vấp phải những ý kiến trái chiều. Chính phủ Trung Quốc và Mông Cổ lên án nó là hoạt động mê tín. Trung Quốc đã ban lệnh cấm hình thức mai táng này từ cuối những năm 1960 đến 1980.
Ăn tro cốt của người chết
Hình thức mai táng này xuất hiện trong cộng đồng bộ lạc Yanomami – một bộ lạc sinh sống trong rừng dậm Amazon (phía bắc Brazil và phía nam của Venezuela). Theo đó, sau khi hỏa táng người chết, giúp đưa linh hồn của người “quá cố” sang với thế giới bên kia, người dân bộ lạc này sẽ giữ lại phần tro cốt để nấu ăn trong “ngày giỗ đầu” của người chết.
Trong ngày giỗ đầu, tro cốt của người chết sẽ được nghiền nhỏ để nấu cùng các món ăn, trong đó có món chính là món chuối nấu. Người thân trong gia đình sẽ ăn những món ăn có tro cốt người chết như một hình thức tưởng nhớ người quá cố.
Lọc bỏ da thịt và nội tạng của người chết
Tại dãy núi Andes, Nam Mỹ từng tồn tại hình thức mai táng vô cùng đáng sợ này. Khi người ta sẽ lọc bỏ toàn bộ da thịt và nội tạng của người chết, chỉ giữ lại duy nhất phần xương. Việc loại bỏ da thịt và nội tạng được thực hiện bằng cách đưa thi thể người chết vào vạc hóa chất, khiến cho mọi bộ phận nhanh chóng được hòa tan.
Bắt đầu nghi lễ mai táng, người ta sẽ đun cơ thể người chết trong vạc hóa chất sôi lên, đế khi bong tróc toàn bộ da thịt và nội tạng, chỉ còn lại phần xương. Sau đó, bộ xương người chết sẽ được làm sạch và phủ bằng một lớp thạch cao mỏng.
Chặt cụt ngón tay để tiếc thương người chết
Bộ tộc người Dani ở Indonesia tới ngày nay vẫn duy trì tục lệ tưởng nhớ người chết đáng sợ này. Theo đó để thể hiện tình cảm với người chết người phụ nữ Dani sẽ cắt bỏ các ngón tay như là cách họ muốn thể hiện sự đau khổ của mình.
Những người phụ nữ trong gia đình có người chết đều phải thực hiện tục cắt ngón tay vô cùng đau đớn. Một số người cả 10 ngón tay đều bị cụt sau khi nhiều thành viên trong gia đình qua đời.
Khiêu vũ cùng xác chết
Hẳn bạn đã xem bộ phim hoạt hình “Bộ xương biết nhảy” thì chắc hẳn bạn sẽ hình dung được một phần của nghi thức này.
Khiêu vũ cùng xác chết có tên Famadihana là nghi lễ chôn cất người chết độc đáo ở Madagascar. Theo đó, cứ 7 năm/lần, người ta sẽ mở nắp những ngôi mộ và thi thể người đã khuất sẽ được mặc lại “quần áo” mới để cùng tham gia nhảy múa cùng người thân trong gia đình trong niềm hân hoan, vui mừng.
Nghi lễ Famadihana là dịp để những người còn sống thể hiện tình cảm của họ đối với người thân đã qua đời. Nếu gia đình có đủ điều kiện tài chính mà không thực hiện nghi lễ này thì đều bị cho là mắc tội nghiêm trọng.
Xem thêm: Nghi lễ mai táng của người Thổ ở Giai Xuân, Tân Kỳ, Nghệ An
Vẫn còn rất nhiều hình thức mai táng khác nhau trên toàn thế giới, những hình thức mai táng khác nhau lại thể hiện văn hóa cũng như cái nhìn về thế giới, vũ trụ khác nhau của từng dân tộc, bộ tộc nguyên thủy. Ở Việt Nam cũng có rất nhiều nghi thức mai táng khác nhau của các dân tộc khác nhau. Nếu như bạn có biết chi tiết về các hình thức mai táng của các dân tộc Việt Nam thì hãy chia sẻ ở phần bình luận nhé!