Hoa văn chim Phụng – Họa tiết chim phụng trong phong thủy

Chim Phụng

Họa tiết chim phụng trong phong thủy – Hoa văn chim Phụng

Họa tiết hình thú – con Phụng

Hình CLXIV cho một ý tưởng về các phẩm chất của một con chim Phụng (chim phượng hoàng), bức hình này được thể hiện ít nhiều hoàn hảo trên tấm bình phong của các ngôi đền thờ nữ thần: đúng theo mô tả của P. Corentin Pétillon “mỏ gà, cổ rắn, trán én, lưng rùa và đuôi cá”. Hoa văn chim Phụng được thể hiện trên sóng cồn ngoài biển, nhưng là một trong tứ linh nên phượng có quyền năng siêu nhiên cỡi trên sóng biển. Ở đây nói qua về truyền thuyết nói về sức mạnh chim phượng: “Tung cánh bay lên từ phương đông, vượt khỏi ngọn núi Côn Lôn, ghé uống nước nơi thác Đế Trụ, rũ cánh tắm ở biển Nhược Thủy, cuối cùng nghỉ cánh ở núi Đơn Huyệt.” Một lần tung cánh của chim phượng xa ngần ấy.

Cánh nó vươn rộng với những cọng lông cứng mà người ta nói cứng như thép, lông đuôi rực rỡ như ngọn lửa, đôi chân vững trãi; đó là biểu tượng cho thao lược và nhân hậu, kiêu hãnh và tôn quý. Phượng Hoàng ngậm một dải lụa khi thì treo vào đó cuộn giấy, khi thì là cái hộp vuông hay thẻ bài; theo một số người đó là ‘cổ đồ’ huyền thoại của vua Phục Hi nhưng có người lại bảo đó là kinh thư thánh hiền; hình tượng này có tên “Phụng hàm thư” (hình CXIV và các hình kế tiếp). Tôi chẳng rõ ai nói đúng.

Theo truyền thuyết Trung Hoa, chim Phượng Hoàng có nhiều phẩm hạnh cao đẹp: “tiếng hót ngân khắp ngũ âm, lông trang điểm ngũ sắc, thân thể biểu tượng cho sáu thứ: đầu tượng trời, mắt tượng thái dương (mặt trời), lưng tượng thái âm (mặt trăng), cánh tượng gió, chân tượng đất và đuôi tượng tinh tú.” Các vẻ đẹp và phẩm hạnh đó xứng là vua các loài chim, nó thường đậu trên cây ngô đồng. Chim phượng chỉ xuất hiện vào thời thái bình và ẩn mình khi thời loạn lạc. Nên phượng là biểu tượng cho thái bình.

Những tín ngưỡng đó xa lạ đối với người An Nam; họ chỉ biết duy nhất một điều: Phượng Hoàng là biểu tượng cho sự kết hợp giữa người nam và người nữ, tức hôn nhân. Chuyện kể có hai người nam và người nữ xinh đẹp tuyệt trần, tâm đầu ý hợp với nhau ; người nam là một vị tiên và người nữ vốn là phượng. Vị tiên từ trời bay xuống hòa duyên cùng phượng.

Hay là tích long phụng hòa duyên[2]; trong bức vẽ long là người chồng và phượng là người vợ. Hình vẽ con rồng và con phượng vờn quanh chữ song hỉ, cũng là biểu tượng của hôn nhân, của hạnh phúc lứa đôi.

Trong ca dao cũng thường thấy biểu tượng này:

“Anh như cột mít chạm rồng; Em như kèo phụng gác trong đình chùa” Đẹp tuyệt.

Hay là lời cao ngạo, khinh rẻ:

“Trúc xinh không mọc cùng tre; Gà nòi lớn xác chẳng tề phụng loan”

Hình ảnh Phượng Hoàng dành chỉ người phụ nữ. Chính vì vậy hoa văn chim Phụng thường trang trí ở các gờ mái những đền thờ nữ thần, và nơi này các bình phong cũng chạm vẽ hình chim phượng hoàng thay vì con rồng. Hình phụng cũng thấy trang trí trên trán bia hay viền khung bia mộ của các công chúa, rồi lại thấy ở giường chạm hay hộp đựng ấn của nữ giới (hình CLXVI, CLXVII, CLXVIII). Nhưng cũng chẳng gì ngăn cấm được người nghệ sĩ dùng mô-típ này trang trí đồ gỗ hay dinh thự bình thường như hình trang trí phụ. Nhìn chung khi thấy Phượng Hoàng dùng làm họa tiết chính trên đồ vật thì biết đó là món dành cho phụ nữ.

Loài chim này có hai tên gọi: con trống gọi là phụng (phượng) và con mái gọi là hoàng; gộp lại gọi là phượng hoàng. Nhưng thông thường người An Nam gọi gọn là phượng mà thôi. Chim mái còn có tên khác ‘loan’[3], nên gọi là phượng loan. Theo truyền thuyết Trung Hoa và người An Nam đón nhận, tiếng kêu của loài chim này biểu lộ sự ứng họa của cặp tình nhân, của hạnh phúc lứa đôi; cho nên hình ảnh chim phụng vừa là lời cầu chúc vừa nói lên sự gắn bó vợ chồng.

Còn về tổng quan chim phượng là biểu tượng thái bình như đã nói ở trên. Nên trong cung điện cũng có hình chim phượng để phỉnh nịnh ca tụng vua chúa đang sống thời thái bình thịnh trị vì có chim phụng xuất thế.

Như tôi đã trình bày, trong kiến trúc hình ảnh chim Phượng Hoàng được dùng làm trang trí dấu nhấn trên các gờ mái đền thờ nữ thần. Nhưng cũng thấy ở các đền khác và trong cung điện nhưng chỉ là thứ yếu và nhường vị trí chính yếu cho con rồng, phượng chỉ thấy ở đầu hồi. Một số nơi, phượng được thay thế cho vị trí của con dơi (hình CLIX). Ở lăng mộ các công chúa thay vì con rồng người ta dùng hình phượng để trang trí trán bia hay viền quanh bia. Cuối cùng còn thấy vẽ hay chạm trên các tấm chi tiết đồ gỗ, trên nắp hộp, trên bình phong lụa, trên thành bộ ván (hình CLXXII); cũng như làm trang trí dấu nhấn ở đèn, giá đỡ chậu, … (hình CLXXI).

Phượng còn có những biến cách (hóa), thường nhất là đào hóa phụng, nhưng cũng thấy hoa mẫu đơn hóa phượng (hình CLXXII). Hoặc nhánh cúc hay quả na, hoa lan (hình CLXXIII) kết hợp với hoa văn chim Phụng. Hình phượng ít dùng vì khó dát hơn rồng, khó ngang với hình lân, dù rằng tính mảnh dẻ và nét trang trọng hết sức thích hợp.

Ở Bắc Kỳ, trước các ngôi đền thường thấy bốn chim phượng không đuôi trên các đỉnh cột. Rất mỹ thuật, nhưng tôi chẳng biết nó mang ý nghĩa gì đối với người An Nam. Với công dụng trang trí tương tự, dĩ nhiên ý trang trọng và nhẹ nhàng hơn, người ta dùng họa tiết cụm lá ô-rô thay vào (hình CXVII, CXVIII).

Có một con chim tương tự khác gọi là hạc. Lưu ý là hình dáng hạc với phượng, cũng như tính biểu tượng, khác xa nhau. Hạc luôn có đôi cánh xếp lại và tạc đứng (thường đứng trên con rùa) dùng làm món đồ thờ. Miệng hạc ngậm một cánh hoa, thường là một đôi trước bàn thờ thần hay bàn thờ tổ tiên. Hạc không thấy dùng làm họa tiết trang trí.

Hình như theo người Trung Hoa có hạc đen, hạc vàng và hạc xanh nữa, nhưng người An Nam chỉ dùng hạc trắng và màu lông trắng đó tượng trưng cho tuối thọ. Người Trung Hoa cũng như người An Nam đều tin chim hạc có tuổi thọ cao, người Trung Hoa cho rằng khi đến 160 tuổi lông hạc biến thành màu đen, lúc đó gọi là huyền hạc. Để chỉ người già người ta hay dùng thành ngữ “da mồi tóc hạc”, nghĩa là tóc bạc trắng như lông hạc và da nhăn nheo như vảy đồi mồi.

Thêm nữa, hạc là vật cưỡi của chư tiên, điều này được đánh đồng là chúng trường sinh bất tử? Vì thế hạc còn có tên “tiên điểu” (chim của tiên) Ở Trung Hoa người ta làm đồ vàng mã có những con hạc giấy để đốt cúng, với lời cầu mong người chết cỡi nó bay lên trời. Rùa là một biểu tượng khác của sự trường thọ nên thường đi đôi với hạc (hình CLXXIV). Chim hạc không có biến cách từ họa tiết khác, nhưng ở Trung Hoa hạc đôi khi được nhân cách hóa thành Thọ Tinh và đi chung với chữ thọ.

Hay là tích long phượng hòa duyên trong bức vẽ long là người chồng và phụng là người vợ. Hình vẽ con rồng và con phượng vờn quanh chữ song hỉ, cũng là biểu tượng của hôn nhân, của hạnh phúc lứa đôi.

Hình họa tiết chim Phụng trong đồ dùng

Đèn
Đèn trang trí hoa văn chim Phụng
Giá đỡ chậu trang trí hoa văn chim Phụng
Giá đỡ chậu trang trí hoa văn chim Phụng
Dây lá mẫu đơn hóa Phụng
Dây lá mẫu đơn hóa Phụng
Phụng - trang trí dấu nhấn
Phụng – trang trí dấu nhấn
Hình Phụng trang trí trên cổng, cửa
Hình Phụng trang trí trên cổng, cửa
Hoa văn song Phụng
Hoa văn song Phụng
Rùa đội hạc
Rùa đội hạc
Hoa văn hình Phụng
Hoa văn hình Phụng
Chim Phụng
Chim Phụng
Hoa loa kèn hóa Phụng
Hoa loa kèn hóa Phụng

Xem thêm: Họa tiết Kỳ Lân, họa tiết hình thú, Kỳ Lân trong văn hóa An Nam

Gọi Điện Thoại Zalo Facebook