Phong thủy mộ phần – Những điều cần biết khi chọn nơi mai táng. Phong thủy mộ phần được xác định bởi hai yếu tố là long mạch và huyệt mộ.
Để xác định được long mạch và huyệt mộ của nơi chôn cất người chết, ta cần phải dựa trên các yếu tố địa hình có sẵn của mảnh đất đó. Các yếu tố này từ ngàn xưa đã được coi là sẽ ảnh hưởng tới vận mệnh các thế hệ sau của người đã khuất.
Tinh hoa của văn hóa mai táng
Tập tục mai táng dựa trên những quan niệm về vong linh trong một thời kỳ xã hội nhất định để đưa ra những nghi thức phù hợp khi xử lý thi thể của người mất. Mai táng bao gồm những nội dung văn hóa vô cùng phong phú về những quan niệm mai táng, tập tục mai táng, phương thức mai táng, sự phân loại của mộ táng, cho đến những giá trị quan, sinh tử quan, lịch sử quan của mai táng.
Mai táng còn là một phương thức biểu hiện tư tưởng và những quan niệm của con người đối với việc tôn sùng đạo hiếu, đề cao sinh mệnh và truy tìm sự vĩnh hằng đối với cõi nhân sinh. Đồng thời, mai táng cũng chính là cách con người thể hiện sự hiểu biết của mình đối với sinh mệnh và cuộc sống. Mục đích cuối cùng của việc mai táng cũng chính là sự sống. Như vậy, có thể nói bản chất của văn hóa mai táng là một loại văn hóa sinh tồn mang tính chất đặc thù.
Chọn đất để mai táng
Người xưa cho rằng, chỗ đất mai táng có ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh các thế hệ sau của người đã mất. Do vậy vị trí chôn cất đối với con người là rất quan trọng. Ngay từ khi còn sống, con người đã bắt đầu tìm kiếm cho mình một mảnh đất tốt để về sau yên nghỉ. Trong quá trình chọn đất đặt mộ, các yếu tố phong thủy mộ phần được đề cao, chủ yếu là thế bên sông, dựa núi, tàng phong, tụ khí. Nhìn một cách hình tượng, huyệt mộ cũng giống như thân thể của người phụ nữ, núi ở phía sau chính là phần thân. Thanh Long và Bạch Hổ ở hai bên phải trái tựa như hai chân, vị trí huyệt mộ chính là nữ âm của người phụ nữ. Với cách hình dung như vậy tượng trưng cho hồn phách của con người khi mất sẽ quay về với thân thể của người mẹ để sớm được tái sinh.
Phong thủy địa bảo
Một mảnh đất âm phần tốt cần có: Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ, gò đất, đồi núi bao bọc mà bảo vệ huyệt trường, giúp cho huyệt trường tàng phong nạp khí.
Trong phong thủy, long mạch là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Long mạch là địa mạch mạnh mẽ, mềm mại, thoắt ẩn thoắt hiện như rồng. Địa mạch lấy hướng núi sông làm tiêu chí. Vì vậy, các nhà phong thủy gọi địa mạch là long mạch, là khí mạch đi theo mạch núi.
Nói về long mạch phải phân biệt mạch chính và mạch nhánh. Tìm được mạch chính mà lại đặt huyệt ở mạch nhánh là không cát.
Long mạch có quan hệ mật thiết với các núi, gò của huyệt mộ. Nếu chân long (long mạch chính) thì cần có nhiều gò núi bảo vệ. Nếu có nhiều gò núi hộ vệ, chủ về sự phú quý. Nhưng nếu mất khí của long mạch là đại hung.
Nhận đúng long mạch sau đó phải quan sát thủy khẩu (gò, núi xung quanh hoặc ở giữa cửa sông), Án Sơn (núi che chắn phía trước huyệt mộ), Triều Sơn (núi ở phía trước nhưng xa huyệt mộ hơn Án Sơn), minh đường (khoảng trống phía trước huyệt mộ), Thanh Long (gò, núi ở bên trái huyệt mộ), Bạch Hổ (gò, núi ở bên phải huyệt mộ).
Thế của long mạch lấy mềm mại, linh hoạt làm quý. Long mạch lên xuống trùng trùng, uốn lượn như cá nhảy chim bay gọi là sinh long, là địa huyệt cát. Nếu long mạch thô thiển, ngang, ngược, cồng kềnh, uể oải như cây khô, cá chết là tử long, là địa huyệt hung. Nhà phong thủy chia long mạch thành các loại: cường long, nhược long, phì long, thuận long, nghịch long, tiến long, thoái long, bệnh long, kiếp long, sát long, chân long, giả long, quý long, tiện long…
Long mạch được núi vây quanh dày đặc là sự bao bọc, hộ vệ tốt hay còn gọi là có tình – không lệch, không đi ngược. Hình thế long mạch được xem là cát thì phải đoan trang, nho nhã, tú lệ. Nếu chủ (long mạch chính) và khách (long mạch nhánh) không phân biệt được rõ ràng, núi mọc lung tung, đá núi lộn xộn, hình thù kỳ quái là ác hình. Nơi đây an táng rất hung, là đại kỵ.
Xem thêm: Xem ngày tốt xây mộ năm 2021 để thu hút được sinh khí
Phân chia long mạch
Mạch núi căn cứ vào hướng núi được chia làm 5 loại, tức 5 thế:
– Thế chính: long mạch phát ở phương Bắc, hướng tới phương Nam.
– Thế nghiêng: long mạch phát ở phương Tây, hướng lên phía Bắc, Bắc có huyệt hướng về Nam.
– Thế nghịch: long mạch nghịch thủy hướng lên rồi theo dòng nước đi xuống.
– Thế thuận: long mạch theo thủy chảy xuống rồi lại nghịch thủy đi lên.
– Thế hồi: long mạch trở về Tổ Sơn (nơi phát nguồn của long mạch bao gồm hàng loạt núi kế tiếp nhau: Thái Tổ Sơn, Thái Tông Sơn, Thiếu Tông Sơn).
Dựa vào hướng lượn lượn vòng, có thể chia long mạch làm 2 loại:
– Dương long: long mạch từ Thái Tổ Sơn lượn vòng theo hướng chiều kim đồng hồ.
– Âm long: long mạch từ Thái Tổ Sơn lượn vòng ngược chiều kim đồng hồ.
Một cách chia âm long và dương long khác là căn cứ vào phương hướng của dòng chảy 2 bên mạch núi:
– Dòng nước từ 2 bên mạch núi chảy đi, nếu dòng từ bên trái chảy sang bên phải, long mạch là dương long.
– Dòng nước từ bên phải mạch núi chảy sang bên trái, long mạch là âm long.
Cụ thể hơn, theo hình thái của mạch núi có thể chia long mạch làm 9 loại:
– Hồi long: hình thế long mạch quay đầu về Thái Tổ Sơn, như rồng liếm đuôi, hổ quay đầu.
– Xuất dương long: hình thế long mạch phát tích ngoằn ngoèo như thú xuất lâm, như thuyển vượt biển.
– Giáng long: hình thế long mạch như rồng từ trên trời lao xuống.
– Sinh long: hình thế long mạch vòng cung, mạch nhánh nhiều như chân rết, như dây leo.
– Phi long: hình thế long mạch tụ tập như nhạn bay ưng lượn, 2 cánh mở rộng như phượng hoàng nhảy múa.
– Ngọa long: hình thế long mạch như hổ ngồi, voi đứng, trâu ngủ, thế vững vàng.
– Ẩn long: hình thế long mạch không rõ ràng, mạch long kéo dài.
– Đằng long: hình thế long mạch cao xa, hiểm yếu, rộng lớn như rồng bay vút lên trời cao.
– Lãnh quần long: hình thế long mạch như hội tụ các nhánh, như đàn cá đang bơi, đàn chim đang bay.
Phúc họa với hình và thế đất huyệt mộ
Cái gọi là “hình” trong phong thủy mộ phần chính là hình dạng của núi kết huyệt. Hình là điều kiện quan trọng nhất để tụ khí. Khí vận hành (di chuyển) theo thế núi, thế đất vì vậy bị ngưng tụ lại. Nơi ngưng tụ được linh khí như thế gọi là chân huyệt.
Cuốn Táng Kinh viết: “Hình ngăn khí tụ, hóa sinh vạn vật là đất thượng đẳng”. Nếu không có hình tốt tức thế đất không ngăn được khí. Khí không tụ lại được thì an táng vô nghĩa. Hình có to nhỏ, cao thấp, sấp ngửa, béo gầy, cân lệch.
Các nhà phong thủy chia hình thế đất thành 6 kiểu: tròn, bẹt, thẳng, cong, vuông, lõm.
Yêu cầu hình thế đất: Thứ nhất là phải ngăn được khí (khí tụ); thứ 2 là phải tàng (giấu), đất lộ, khí tán theo gió; thứ 3 phải vuông cân, nếu đất nghiêng lệch khí uế sẽ phát sinh; thứ 4 là thế đất phải có hình vòng cung, khí tụ và lưu thông trong huyệt, đất ẩm.
Thế đất cát thì huyệt sẽ cát; huyệt cát thì nhân sẽ cát. Thông thường, an táng ở trên thế đất phình, cheo leo, lộ lồi, nham nhở, tản mạn, tàn tạ đều mang lại hung họa khôn lường cho đời sau.
Táng Kinh viết rất cụ thể như sau:
– Thế đất có bình phong (đằng sau huyệt mộ có đất hoặc núi cao như bức bình phong để dựa, được che chắn) chôn đúng phép, vương hầu nổi lên.
– Thế đất như tổ yến (tròn, vuông, cân đối) chôn đúng cách, được chia đất phong.
– Thế đất như rìu kép (tròn, vuông, cân đối, phẳng phiu) mộ huyệt có thể giàu có.
– Thế đất lởm chởm (đất không có hình thế), bách sự hỗn loạn.
– Thế đất như loạn y (quần áo bừa bãi), thê thiếp dâm loạn.
– Thế đất như túi rách (chỉ đất, cát, sỏi, phù sa bồi), tai họa liên miên.
– Thế đất như thuyền lật, nữ bệnh nam tù.
– Thế đất ngang lệch (thế đất xiên xẹo, không ra hình thế), con cháu tuyệt tự.
– Thế đất như kiếm nằm (thế đất dài như thanh kiếm), chu di bức hại.
– Thế đất như đao ngửa (thế đất dài như thanh đao), hung họa suốt đời.
Như vậy, sách xưa khẳng định: “Hình thế rõ ràng thì tìm huyệt dễ, không rõ ràng thì tìm huyệt khó khăn”; “Thế đến, hình ngăn gọi là toàn khí. Đất toàn khí khi an táng thì tụ được khí”.
Không những thế, khi chọn đất táng, vai trò của hình và thế cần được coi trọng như nhau. Vì: “Hình và thế thuận là cát, hình và thế nghịch là hung. Thế cát hình hung thì bách phúc không còn, thế hung hình cát thì họa hại vô cùng”.
Xem thêm: Kích thước xây mộ chuẩn theo mệnh gia chủ và theo thước Lỗ Ban
Bát phong hung dữ – 8 loại gió bất lợi đối với huyệt mộ
Theo khái niệm âm dương, thì gió (phong) bao gồm 2 loại: gió từ đỉnh núi thổi xuống gọi là gió dương, gió từ khe núi thổi lên gọi là gió âm.
Ở vùng đồng bằng thì huyệt không sợ gió. Các loại gió thổi từ Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc là gió ấm, gọi là gió dương thì không cần đề phòng. Các loại gió hướng Tây, hướng Bắc gọi là gió âm thường lạnh, vì vậy huyệt nên có Án Sơn – núi che phía trước, nếu không xương cốt trong mộ sẽ bị lạnh, gia chủ sẽ khuynh gia bại sản.
Theo sách Địa lý giảm giả lục: “Gió âm sẽ làm tản sinh khí. Vì vậy, nếu gió này thổi trực xạ (thổi thẳng) vào mộ là hung (xấu). Ở đồng bằng và vùng sông, biển mênh mông, an táng mộ không cần núi gò cao che chắn gió dương, vì gió này không kỵ, không có sát khí.”
Long khí không thông gió sẽ vượng, dương trạch (nhà ở) nên đóng cửa sổ vì nếu gió dữ thổi, cửa không đóng, khí lạnh tràn vào nhà sẽ hung. Nếu triều án sơn lõm khuyết bị gió thổi gọi là trực xạ.
Theo sách Địa lý 88 hướng chân quyết, có 8 loại địa hình xấu không vì không che được 8 loại gió hung dữ (bát phong):
1. Tiền phong: Minh đường (khoảng đất trước huyệt mộ) bị nghiêng lệch, Án Sơn (ngọn núi che chắn trước mộ) lõm khuyết, bị gió âm (gió Tây Bắc) trực xạ, không thể tụ khí chủ về sự bần hàn, con cháu phải chịu cuộc sống long đong, xa quê.
2. Hậu phong: Không có Phụ Mẫu Sơn (núi che chắn phía sau mộ), gió thổi lưng huyệt thì chủ về sự khốn cùng, đoản mệnh…
3. Tả phong: Gò Thanh Long thấp bé, không cản nổi gió tả phong thì gia chủ vong, nữ chủ nhân quả phụ.
4. Hữu phong: Gò Bạch Hổ thấp bé, không cản nổi gió hữu phong thì nữ gia chủ vong, dễ tuyệt tự.
5 – 6. Lưỡng mày phong: Gió thổi vào chỗ giao nhau dưới Chủ Sơn và gò Thanh Long hoặc gò Bạch Hổ bị lõm khuyết thì gia chủ vong, tự tuyệt.
7 – 8. Đuôi Long Hổ phong: Đuôi Long Hổ thấp, gió thổi qua chỗ đó gọi là đuôi Long Hổ phong, là đại hung. Chủ nhân dễ bị khuynh gia bại sản. Nếu gió từ hướng (Cấn) Đông Bắc thì rất dữ.
Tuy nhiên, nếu huyệt mộ được Sa và Thủy bao bọc tầng tầng, lớp lớp thì sẽ không lo 8 loại gió hung nói trên.
An táng ở vùng núi cần chọn đất tàng phong
“Tàng phong” chỉ huyệt địa được gò, núi che chở kín, gió không thổi vào huyệt mộ nên khí không bị tiêu tán.
Các nhà phong thủy cho rằng, sinh khí do nước mà tụ, do gió mà tản. Vì vậy, “đắc thủy” là tiêu chuẩn hàng đầu để xét huyệt mộ tụ khí; nếu mộ không được che chắn, sinh khí tản theo gió thì dù thủy bao bọc cũng vô ích.
Sách Táng Thư viết: “Khí thừa phong (theo gió) thì tản, giới thủy (ngăn dòng nước) thì dừng”.
Sách cũng chú giải thêm: “Muốn ngăn khí lại, thành quách phải dày đặc, bao bọc trước sau, trái phải. Như vậy sẽ tàng phong, không để gió thổi tự do, làm tản khí mạch”. Vì vậy, thành quách trở thành bình phong che chắn gió, giúp gia chủ khỏe mạnh. 4 phương 8 hướng huyệt mộ đều phải được gò, núi che chắn, gió không thổi vào minh đường là tốt. Ngược lại, chủ gặp tai họa khôn cùng.
Nếu phía trước huyệt mộ không có núi che chắn, gió sẽ thổi trực diện, khí huyệt tản mát. Tọa đất này, gia chủ bần hàn, bại tuyệt. Nếu sau huyệt không có núi, chủ cô quả. Nếu bên phải không có núi che chắn (Bạch Hổ khuyết), gió thổi bên phải mộ, con cháu yểu tướng. Nếu cả 2 bên trái và phải mộ không có núi che chắn, mộ bị gió, chủ bại tuyệt; 2 chân mộ bị gió, chủ phá gia.
Đất đồng bằng, sinh khí chìm trong đất, khí từ dưới bốc lên, không sợ gió thổi. Vì vậy, huyệt tuy ở giữa nơi thoáng đãng, 4 phương 8 hướng không có núi che chắn cũng không ảnh hưởng gì đến việc tụ khí. Vì vậy, thuyết “tàng phong” chỉ nói về huyệt mộ ở vùng núi mà thôi.
Xem thêm: Chọn hướng đặt mộ theo tuổi hợp phong thủy chuẩn xác nhất
Ý nghĩa của tứ linh đối với huyệt mộ
Tứ linh tức tứ thú vốn là tứ tượng trong thiên văn học cổ. Nó bao gồm: Thanh Long (rồng xanh), Bạch Hổ (hổ trắng), Chu Tước (sẻ đỏ), Huyền Vũ (rùa đen).
Các nhà phong thủy cho rằng, tứ linh do khí 4 phương tạo ra. Nếu tứ linh nhu thuận, quy phục, bao bọc ủng hộ huyệt ở trung ương là đại cát, gia chủ con cháu vinh hoa, phú quý.
Quách Phác trong “Táng kinh” nói: “Huyền Vũ cúi đầu, Chu Tước nhảy múa, Thanh Long uốn lượn, Bạch Hổ thuần phục”. Tuy là chỉ riêng từng thú nhưng tứ thú phải hội tụ được cả 4 yếu tố: cúi đầu, nhảy múa, uốn lượn, thuần phục. Nếu một thứ quay lưng là hung tượng (xấu). Điều này khiến con cháu có thể gặp nhiều bất trắc.
Tứ linh rất quý và hiếm. Nó cũng có những yêu cầu cụ thể:
– Hình dáng thanh tú, tròn, tươi. Cỏ cây tươi tốt, tú lệ.
– Thủy trong, ngưng lắng, uốn lượn, đẹp, nước sông đầy, không chảy xiết, phá…
– Tứ linh phối hợp, long cao hổ bao, núi sông hữu tình, bao bọc huyệt mộ.
– Thế thuần phục, sinh động, có tình, tiền hô hậu ủng, hướng về.
“Táng thư” của Quách Phá gọi là tứ linh, tứ thế. Lấy mộ làm vật chuẩn, tả là Thanh Long, hữu là Bạch Hổ, phía trước là Chu Tước, phía sau là Huyền Vũ.
Nguyên tắc chọn đất đặt mộ
Các nhà phong thủy xưa đã vận dụng đạo tam cương (cha con: Cha là giềng mối của con; vua tôi: Vua là giềng mối của tôi; vợ chồng: Chồng là giềng mối của vợ), ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) vào phong thủy. Tam cương chỉ khí mạch, minh đường và thủy khẩu. Ngũ thường chỉ long, huyệt, sa, thủy, hướng.
Theo sách Ngũ quyết địa lý:
Tam cương là: 1. Khí mạch là giềng mối của phú quý bần tiện; 2. Minh đường là giềng mối của đẹp xấu sa thủy; 3. Thủy khẩu là giềng mối của sinh vượng tử tuyệt.
Ngũ thường là: 1. Long cần phải là chân long; 2. Huyệt cần phải là huyệt bằng phẳng; 3. Sa cần tú (đep); 4. Thủy cần phải có sự bao bọc; 5. Hướng cần là cát hướng.
Thủy là nguồn gốc tiền tài, là ngoại khí của sinh khí. Nếu chảy quanh huyệt mộ là sinh thủy thì sẽ vượng. Nếu thủy đi không về thì tiền của tiêu tán, là đất không vong, còn gọi là tử địa hoặc tuyệt địa. Vì thế cửa sông (thủy khẩu) là yếu tố quan trọng nhất của sinh vượng tử tuyệt.
Trong ngũ thường (long, huyệt, sa, thủy, hướng) thì:
– Long mạch (khí mạch) xa, lớn, mạch dài, uốn lượn có thể nghênh đón là cát mạch
– Huyệt bằng phẳng gọi là long thể ngăn khí, huyệt cát
– Sa cần tú lệ – đẹp đẽ
– Thủy chảy bao bọc bảo vệ huyệt là cát thủy. Nước chảy xung quanh huyệt là hữu tình.
– Hướng huyệt, tránh hướng Ngũ Quỷ, Tuyệt Mệnh, Họa Hại, Lục Sát; nên chọn hướng Sinh Khí, Thiên Y, Diên Niên, Phục Vị (Phúc Đức). Cách tìm hướng này có thể dựa theo công thức tính Quái số.
Ngũ bất táng: 5 loại núi kỵ đặt mộ
Ngũ bất táng còn gọi là ngũ hại, chỉ 5 loại núi không tụ khí, an táng sẽ bất lợi. Quách Phác trong sách Táng Thư viết: “Ngũ hại bất thân” ý chỉ 5 loại núi không nên an táng gồm: đồng sơn, đoạn sơn, thạch sơn, độc sơn, quá sơn.
1. Đồng sơn: Màu đất khô cháy, cây cỏ không mọc được, núi trọc. Núi như vậy thì đất khô, mạch kiệt, không thể sinh khí, vì vậy không nên chôn cất.
2. Đoạn sơn: Chỉ thế núi gãy ngang, sinh khí đi theo mạch đất; thế mạch gãy, sinh khí đứt đoạn, vì vậy không nên chôn cất.
3. Thạch sơn (núi đá): Ý nói đất kết huyệt không thể là vách núi cheo leo, hoặc núi đá nhô nổi. Đây là nơi oán khí trong núi đá sinh ra, đất nhiều sát khí vì vậy không nên an táng. Tuy nhiên, nếu chất đá mềm, vân đá ấm mượt, màu sắc tươi lại là cát địa.
4. Quá sơn: Thế núi không dừng, giống như lao đi, khí cũng giống như là khách ra đi do vậy mà sinh khí không còn. Những nơi như thế không nên an táng.
5. Độc sơn: Mạch long cô độc, núi không có thế bao bọc huyệt mộ, các dòng nước không tụ, không có núi Thiếu Tổ, núi Thái Tổ, núi Phụ Mẫu. Nơi như thế thì chỉ nên xây đền chùa, miếu mạo và không nên an táng.
28 điều kiện về huyệt mộ trong phong thủy học
28 yếu” là một trong 10 bí quyết của Cửu Ca. Đó là 28 yêu cầu về long, huyệt, sa, thủy của huyệt mộ bao gồm:
1. Long phải sinh vượng nghĩa là long mạch phải dài, khí đến thì huyệt kết.
2. Long mạch phải nhấp nhô nghĩa là khí đi theo triền núi ở trong đất đến huyệt mộ, nếu không lên xuống sẽ bị đứt mạch khí và không đến được huyệt mộ.
3. Mạch phải nhỏ vì mạch lớn khí sẽ bị tản.
4. Huyệt phải tàng thì mới giữ được khí mạch, tàng phong.
5. Lai long phải gặp huyệt cát có nghĩa là long mạch phải gặp huyệt tàng phong đắc thủy thì huyệt mới kết phát.
6. Đường phải rộng, sáng, phẳng có nghĩa là minh đường phải rộng, sáng, phẳng thì mới giữ được khí, gió, thủy.
7. Sa phải sáng có nghĩa là gò Thanh Long, gò Bạch Hổ phải rõ ràng, sáng sủa.
8. Thủy phải đọng nghĩa là nước phải ngưng đọng, bao bọc huyệt mộ.
9. Sơn phải bao nghĩa là núi bao quanh huyệt mộ. Câu này có ý chỉ triều mộ và gò hướng mộ.
10. Thủy phải ôm là dòng nước chảy phải ôm huyệt mộ.
11. Long phải miên là gò Thanh Long “ngủ”, ý nói gò Thanh Long phải nhu thuận.
12. Hổ phải thấp có nghĩa là gò Bạch Hổ không được cao hơn gò huyệt.
13. Án phải gần có nghĩa Án Sơn phải ở gần huyệt mộ.
14. Thủy phải tĩnh tức là dòng nước phải trong, tĩnh lặng, không được chảy ồ ạt.
15. Tiền có quan ý chỉ trước mộ phải có tinh quan (gò nhỏ).
16. Phòng có thần là chỉ sau mộ phải có quỷ tinh (gò nhỏ).
17. Hậu có chẩm lạc nghĩa là sau mộ phải có gò nhỏ như chiếc gối.
18. Hai bên có giáp chiếu nghĩa là 2 bên mộ phải có gò nhỏ như 2 tai mộ để bảo vệ mộ.
19. Thủy phải giao là chỉ các dòng nước phải giao nhau và bao bọc lấy huyệt mộ.
20. Thủy Khẩu phải có gò che chắn là nói cửa sông phải như cái hom, nước vào không bị tản đi.
21. Huyệt phải tàng phong là chỉ huyệt phải được núi, gò bao bọc và có gió tụ ở bên trên huyệt.
22. Huyệt phải tụ khí là nói huyệt phải có núi, sông, gò bao bọc và có khí tụ.
23. Bát quốc không được khuyết có nghĩa là 8 hướng đều có núi và gò che chắn.
24. La Thành không được tản là chỉ các núi bao bọc như la thành không được tản mát.
25. Núi không được lõm chỉ các núi có long mạch và không được lõm, trũng.
26. Thủy không được phản cung ý chỉ dòng nước không được quay lưng vào huyệt mộ mà phải chảy bao quanh mộ.
27. Đường phải vuông vắn là chỉ minh đường phải vuông vắn, rộng lớn.
28. Núi phải cao là chỉ các núi như Thái Tổ Sơn, Thiếu Tổ Sơn, Phụ Mẫu Sơn, gò mộ, Án Sơn, Triều Sơn, gò Thanh Long, gò Bạch Hổ phải cao.
Xem thêm: Kích thước xây mộ sau cải táng nên thế nào là hợp phong thủy nhất?
Tổ Sơn đắc thế, con cháu vinh hoa
Tổ Sơn còn gọi là Tổ Tông Sơn – núi Tổ, bao gồm Thái Tổ Sơn, Thái Tông Sơn, Thiếu Tông Sơn, hàm chỉ núi nơi phát nguồn của long mạch.
Thái Tổ Sơn là ngọn núi cao nhất của các mạch núi, là chúa của các núi trong vùng.
Thiếu Tổ Sơn là ngọn núi lớn sau Thái Tổ Sơn. Ngoài ra, nó có thể là 1 núi tổ tiếp theo Thái Tổ Sơn.
Trong phong thủy học, việc tìm long mạch và thế đất (tầm long vọng thế) trước tiên phải quan sát Tổ Sơn, bao gồm các núi nói trên. Trong tổ hợp núi đó, Thái Tổ Sơn được xem là quan trọng nhất vì mộ kết hay không là do long mạch sinh khí bắt nguồn từ núi này.
Hình thế Thái Tổ Sơn hùng vĩ, nhìn xa như cung điện nguy nga, tráng lệ, xung quanh có nhiều núi bao bọc, chủ long mạch vô cùng vinh hoa phú quý, kết huyệt thâm hậu.
Thiếu Tổ Sơn là quả núi quan trọng bổ sung khí cho long mạch. Nếu thế của Thiếu Tổ Sơn cong, lệch, vẹo, nghiêng, cô lộ, gầy phá, thô, ác thì không tốt. Đây là dấu hiệu khí không tụ, huyệt không kết.
Lưu Cơ trong sách Kham Dư mạn hứng nói: “Núi ở giữa huyệt mộ và Thái Tổ Sơn là Thiếu Tổ Sơn, cát hung của núi này liên quan đến việc ngưng tụ khí ở huyệt mộ. Núi đẹp, có thế hùng vĩ là cát; thấp nhỏ, cô lẻ là hung”.
Phụ Mẫu Sơn ở gần huyệt mộ, là cầu nối giữa núi tổ và huyệt mộ. Phụ Mẫu Sơn tuy to lớn nhưng không được cao hơn Thiếu Tổ Sơn. Nếu cao hơn thì long mạch gọi là thoái long, cho dù mộ kết nhưng cũng không được lâu dài, con cháu nghèo khổ.
Thập tiện: 10 loại địa hình xấu
Thập tiện là một trong 10 bí quyết của Cửu Ca về 10 kiểu địa hình xấu, rất kỵ trong việc an táng.
1. Nhất tiện, bát phong xúy huyệt: Bát phong là gió từ 8 hướng thổi vào huyệt làm khí tiêu tán.
2. Nhị tiện, Chu Tước tiêu sách: là gò Chu Tước trước mộ vô tình, không triều bái, không nhảy múa.
3. Tam tiện, Thanh Long phi khứ: chỉ gò Thanh Long không ôm huyệt mộ có thế bay đi.
4. Tứ tiện, Thủy Khẩu phân lưu: nước ở cửa sông chảy đi không bao huyệt mộ.
5. Ngũ tiện, bãi đầu kiều vĩ: Bãi đầu là chỉ các núi không hướng về huyệt mộ; kiều vĩ là cong đuôi, ý chỉ dòng nước chảy đi không bao bọc huyệt mộ.
6. Lục tiện, tiền hậu xuyên phong: Tiền hậu chỉ gò Chu Tước, gò Huyền Vũ nhỏ và thấp hoặc không có gió thổi tản khí huyệt mộ.
7. Thất tiện, sơn phi thủy tẩu: chỉ núi không triều, nước không ôm huyệt.
8. Bát tiện, tả hữu giai không: không có gò Thanh Long, gò Bạch Hổ.
9. Cửu tiện, sơn băng thủy liệt: núi đổ, nước cạn.
10. Thập tiện, hữu chủ vô khách: Hữu chủ là có huyệt mộ; vô khách là không có án sơn, triều sơn.
Thập quý: 10 loại địa hình tốt theo phong thủy
Thập quý (10 loại địa hình quý) là một trong 10 bí quyết của Cửu Ca. 10 kiểu địa hình đẹp về long huyệt, sa, thủy được coi là 10 kiểu đất sang để xây nhà, xây mộ và con cháu sẽ được giàu có, đó là:
1. Nhất quý, Thanh Long song ủng: Thanh long chỉ gò Thanh Long có gò Tùy Long cùng ôm huyệt mộ.
2. Nhị quý, Long Hổ cao tủng: Long Hổ, chỉ gò Thanh Long và gò Bạch Hổ; cao tủng tức là có thế cao nhưng không cao hơn gò huyệt mộ.
3. Tam quý, Hằng Nga thanh tú: Hằng Nga chỉ gò huyệt mộ (núi huyệt mộ); thanh tú nghĩa là đẹp.
4. Tứ quý, cờ trống viên phong: Cờ trống chỉ các ngọn núi có long mạch; viên phong có nghĩa là đầy đặn.
5. Ngũ quý, nghiên tiền bút giá: Nghiên tiền chỉ Án Sơn, Triều Sơn; thanh tú là chỉ 2 ngọn núi trên đẹp và cao như giá bút.
6. Lục quý, quan lộc phúc chung: Quan lộc là lộc quan; phúc chung là chỉ huyệt như chuông úp.
7. Thất quý, viên sinh Bạch Hổ: chỉ gò Bạch Hổ thuần nhu.
8. Bát quý, đốn bút Thanh Long: chỉ gò Thanh Long cao đẹp.
9. Cửu quý, bình phong tẩu mã: Bình phong là chỉ núi Huyền Vũ sau huyệt mộ, vuông cao, lớn phẳng; tẩu mã (ngựa phi), huyệt được che chắn.
10. Thập quý, Thủy Khẩu trùng trùng: Thủy Khẩu là chỉ cửa sông; trùng trùng có ý chỉ các dòng sông ôm huyệt mộ.
Địa hình thập phú
Thập phú (10 giàu) là 1 trong 10 bí quyết của Cửu Ca (9 khúc ca). Thầy phong thủy đã soạn ra Cửu Ca để hình dung 10 kiểu địa hình đẹp về long huyệt, sa, thủy, coi đó là đất tốt để xây nhà, xây mộ đẹp, từ đó con cháu sẽ được hưởng phúc giàu có.
1. Nhất phú, minh đường cao lớn (rộng lớn): Minh đường cao lớn có nghĩa là vùng đất trước mộ rộng lớn, chứa được vạn người thì con cháu sẽ làm quan to, giàu có.
2. Nhị phú, khách chủ cùng nghênh (nghênh đón): Triều sơn (núi trước mộ ở xa) gọi là khách; huyệt mộ gọi là chủ cùng hướng về nhau.
3. Ba phú, giáng long phục hổ (rồng bay, hổ phục): Giáng long phục hổ là thế núi, thế đất như rồng từ trên trời lao xuống, như hổ nằm phục mồi hoặc tả thanh long, hữu bạch hổ thuần phục bảo vệ phần mộ.
4. Tứ phú, mộc tước huyền chung (sẻ gỗ chuông treo): Mộc tước là chỉ chu tước ở núi trước mộ như chuông treo (huyền chung) linh động, tròn trĩnh, không lệch, không xiên.
5. Ngũ phú, ngũ sơn tủng tú (5 ngọn núi đẹp cao sừng sững): Ngũ sơn (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) chỉ các núi từ núi phát mạch đến núi gò có huyệt mộ như Thái Tổ Sơn. Hoặc chỉ 5 ngọn núi Thái Tổ, Thái Tông, Thiếu Tổ, Thiếu Tông, Phụ Mẫu.
6. Lục phú, tứ thủy quy triều (4 dòng nước chảy về): Tứ thủy là chỉ nhiều dòng nước cùng chảy về minh đường.
7. Thất phú, sơn sơn chuyển cước (chân núi ôm mộ huyệt): Sơn sơn là chỉ các núi; chuyển cước chỉ các núi bao quanh huyệt mộ.
8. Bát phú, lĩnh lĩnh nguyên phong (các núi đầy đặn): Lĩnh lĩnh chỉ các núi đầy đặn, tròn, đẹp và kỵ bị lệch, méo.
9. Cửu phú, long cao bao hổ: Gò Thanh Long bao gò Bạch Hổ.
10. Thập phú, thủy khẩu khẩn bế: Thủy khẩu tức cửa sông; khẩu bế là đóng chặt, bị đóng thì nước không chảy.
Thập bần: 10 loại địa hình xấu nên tránh
Thập bần là 1 trong 10 bí quyết của Cửu Ca, chỉ 10 kiểu địa hình xấu về long, huyệt, sa, thủy. Đó là 10 kiểu đất nghèo không nên xây nhà, xây mộ bao gồm:
1. Nhất bần, thủy khẩu bất tỏa
2. Nhị bần, thủy lạc không vong
3. Tam bần, thành môn phá lậu
4. Tứ bần, thủy phá trực môn
5. Ngũ bần, bối hậu ngưỡng phong
6. Lục bần, tứ thủy vô tình
7. Thất bần, thủy phá thiên tâm
8. Bát bần, sàn sàn thủy tiếu
9. Cửu bần, tứ cố bất ứng
10. Thập bần, cô độc độc long
Chú giải:
1. Thủy khẩu chỉ cửa sông; bất tỏa nghĩa là không khóa, ám chỉ cửa sông không kín, khí
không tụ, theo nước trôi đi
2. Thủy lạc là nước chảy đi; không vong là mất, trống rỗng. Thủy lạc không vong là chỉ nơi cửa sông nước chảy đi, sinh khí không tụ ở minh đường.
3. Thành môn là cổng thành; phá lậu là đổ vỡ hoặc bị thủng. Thành môn phá lậu là chỉ cửa sông đổ vỡ, không có gò ngăn lại vì vậy khí theo dòng nước trôi đi.
4. Thủy phá trực lưu là cửa sông vỡ tan, khí không tụ lại.
5. Bối hậu là chỉ giữa khe núi Huyền Vũ sau mộ bị trống, có thể ngói ngửa, gió thổi vào huyệt và khí bị gió cuốn đi.
6. Tứ thủy là chỉ các dòng nước; vô tình có nghĩa là dòng nước không bao bọc huyệt mộ, không chảy thuận, bị quay lưng vào huyệt mộ và chảy đi.
7. Thủy phá là nước sông chảy thẳng tới thiên tâm (trung tâm của minh đường) làm xói mòn, mất thế minh đường.
8. Sàn sàn là tiếng nước chảy róc rách; thủy tiếu là tiếng nước chảy như tiếng cười ý nói nước chảy chậm.
9. Tứ cố là chủ xung quanh huyệt mộ; bất ứng là chỉ núi không triều (hướng về huyệt mộ), nước không bao bọc, ngẩng đầu mà đi.
10. Cô độc độc long là chỉ núi sông không bao bọc. Nơi này chỉ có thể làm đền miếu.
Xem thêm: Hướng dẫn cách chọn vị trí đặt mộ theo phong thủy
“Điểm huyệt” trong phong thủy?
Điểm huyệt chỉ việc chọn đất làm nhà hoặc đặt mộ. Điểm huyệt chọn nơi chân khí long mạch ngưng tụ, huyệt kết.
Các nhà phong thủy cho rằng, điểm huyệt là khâu quan trọng nhất trong phong thủy mộ phần nên cần đặt biệt coi trọng. Điểm huyệt nếu không chính xác thì cho dù là cát địa cũng không có tác dụng gì. An táng mà độ nông sâu không đúng thì thậm chí phúc có thể trở thành họa.
Muốn điểm đúng chân huyệt phải tuân theo nguyên tắc: “Thừa kỳ sở lai, thẩm kỳ sở phế, trạch kỳ sở tướng, tỵ kỳ sở hại”. Điều này có nghĩa là:
- Thừa kỳ sở lai: Tìm đúng chỗ ngừng của hình thế long mạch chân khí, khiến mạch không rời huyệt, huyệt không rời mạch; xét kỹ âm – dương, thuận – nghịch, hư – thực của long mạch để xác định trước – sau, phải – trái của địa điểm, kích thước tăng giảm để đạt được mục đích nội tiếp sinh khí, ngoại trừ uế khí.
- Thẩm kỳ sở phế: Chỉ hình thể vốn tự nhiên nhưng thường bị con người phá hoại, gia súc dẫm đạp, bị khai khẩn trồng trọt hoặc bị cuốc đào làm hư hỏng thế “tam phân tam hợp”, thế đất tốt. Nếu tìm được chân long chính cục, thủy tịnh sa minh; trước có núi triều, sau có sa bọc.
- Trạch kỳ sở tướng: Cái gọi là “tướng” tức là “giúp đỡ”. Việc điểm huyệt phải quan sát thiền dực (gò đất cánh ve sầu), dòng nước “tam phân tam hợp” để định táng khẩu.
- Tỵ kỳ sở hại: Tránh tử khí để cầu sinh khí, chú trọng âm dương, sinh tử, lớn nhỏ, sâu nông, hướng bối, cầu tam cát, tránh lục xung, tránh ngũ bất táng và thập bần.
Huyệt trong phong thủy mộ phần
Huyệt vốn chỉ thượng không (trên không) nơi người xưa cư trú, còn chỉ nơi chôn cất người chết, cũng chỉ nơi khí huyệt kim mạch trong người ngưng tụ. Huyệt trong phong thủy mộ phần còn gọi là long huyệt, chỉ nơi chôn cất người chết. Đất huyệt long mạch tụ khí, giống như huyệt trên người rất tốt.
Sách “Địa lý nhân tử nên biết” viết: “Huyệt giống như huyệt trên cơ thể con người, nơi tinh túy nhất của trời đất”. Huyệt có loại cao, loại thấp, loại to, loại nhỏ, loại béo, loại gầy. “Ngũ long (ngũ sơn) làm huyệt chia thành 5 loại: hoành, trực, phi, tiềm, hồi, huyệt. Chúng biến hóa đa dạng từ cao xuống thấp, từ thấp lên cao, huyệt hướng Bắc – Nam, huyệt hướng Đông – Tây. Có loại hình đi nhanh, có loại bay chéo, có loại bối thủy, có loại cận giang. Huyệt có chính thể, biến thể”.
Căn cứ vào hình dáng, huyệt được phân loại thành: huyệt oa, huyệt kiềm, huyệt nhũ, huyệt đột. Theo phương thức nhận khí gồm: huyệt thụ, huyệt phân thụ, huyệt bàng thụ. Ngoài ra còn có chân huyệt, giả huyệt, phúc huyệt, quý huyệt, bần huyệt, tiện huyệt, quái huyệt…
Huyệt phải có thế lớn, hình chính, tụ khí, uy phong. Điều này còn có nghĩa là huyệt mộ cao mà không nguy, thấp mà không vùi, hiển mà không lộ, tĩnh mà không âm u, kỳ (lạ) mà không quái, xảo mà không liệt, chính mà không xung, dựa mà không nghịch, nằm ngang mà không nổi, bao bọc mà không lõm, chuyên nhất mà không lồi, tiết lậu.
Phân loại huyệt mộ theo hình thái địa mạo
Theo con mắt của các nhà phong thủy, huyệt được chia thành 4 loại: huyệt oa, huyệt kiềm, huyệt nhũ, huyệt đột.
- Huyệt oa: Có tên gọi là “huyệt khai khẩu”, “huyệt quật”, “huyệt bồn”. Hình huyệt như tổ yến. Phép táng (an táng) ở chỗ lõm là đúng. Huyệt thường có ở vùng núi.
- Huyệt kiềm: Có 2 chân như gọng kìm. Nó còn có tên gọi khác là “huyệt khai cước”, “huyệt xoa kiềm” (cái trâm), “huyệt hổ khẩu” (miệng hổ). Loại huyệt này xuất hiện cả đồng bằng và miền núi.
- Huyệt nhũ: Huyệt mở 2 tay, ở giữa lồi như cái vú, còn có tên là “huyệt vú treo”, “huyệt đầu vú”. Huyệt có cả ở đồng bằng và miền núi.
- Huyệt đột: Huyệt còn có tên gọi khác là “huyệt bong bóng”. Nó có nhiều ở vùng đồng bằng.
Căn cứ vào địa hình có thể chia thành 3 loại huyệt: huyệt chính thụ, huyệt phân thụ, huyệt bàng thụ.
Lưu Cơ trong “Kham Dư mạn hứng” nói: “Chính khí ào ào lao tới, ngưng ngay giữa đất gọi là chính thụ. Huyệt chính thụ rất hiếm. Vạn thủy thiên sơn (vạn sông trăm núi) mới kết huyệt, con cháu phúc lộc dồi dào. Một nhánh của mạch long đến đất huyệt, khí tụ, tiểu kết gọi là phân thụ. Phân thụ an táng cũng no đủ, dư dật”.
Huyệt bàng thụ chỉ huyệt nhập khí long mạch ở 2 bên long hổ hoặc ở quan sơn, quỷ sơn.
Huyệt nhũ là huyệt như thế nào?
Huyệt nhũ còn gọi là “huyệt huyền nhũ”, “huyệt vú” là 1 trong 4 loại huyệt cơ bản: oa, kiềm, nhũ, đột. Hai cánh tay huyệt vươn dài, ở giữa nhô ra như 2 cái vú. Huyệt có vú gọi là huyệt nhũ, huyệt không có vú gọi là huyệt oa.
Theo sách “Địa lý nhân tử nên biết”: “Huyệt nhũ có 2 cánh tay giữa lồi ra như cái vú là chính huyệt. Vùng núi và đồng bằng đều có. Huyệt nhũ phân thành 6 loại: 4 loại chính là huyệt vú dài, huyệt vú ngắn, huyệt vú to, huyệt vú nhỏ; 2 loại biến cách là huyệt song nhũ, huyệt tam nhũ”.
Huyệt nhũ là huyệt âm thụ nên chôn sâu. Hai tay huyệt giang rộng, không nên bị cụt gãy nếu không sẽ mất hết khí tụ. Huyệt nhũ sợ nhất gió thổi. Nếu gió thổi vào huyệt, người ở đây sẽ tuyệt diệt. Thế huyệt nên thấp để tránh gió nhưng cũng không được quá thấp. Nếu huyệt ở thế này thì không có nhân nhục (chỉ đất chiếu đệm), huyệt bất cát.
Hình của huyệt nhũ ngay ngắn, thanh tú thì chủ nhân hưng vượng. Nếu dốc, nghiêng, lệch, thô, ác đều là huyệt giả hình hùng. Nếu huyệt nhũ giả, lưng như kiếm, chân lệch, thế dốc nghiêng, thô, phì, gia chủ và con cháu gặp họa lâu dài.
Huyệt oa là huyệt như thế nào?
Huyệt oa còn gọi là “huyệt quật” (huyệt lỗ, huyệt hang), “huyệt miệng mở”, “huyệt bồn”, là 1 trong 4 loại huyệt cơ bản (oa, kiềm, nhũ, đột) chỉ vầng sáng vành khuyên ở trung tâm đất mộ, có hình huyệt mộ lõm tròn.
Các nhà phong thủy cho rằng, nếu long mạch có thế rõ ràng, tiền nghênh hậu ủng thì tinh thần tôn quý. Táng huyệt oa là đại cát.
Huyệt oa là huyệt dương kết. Nó xuất hiện cả ở đồng bằng và miền núi. Tuy huyệt oa có hình lõm, nơi lõm này vẫn cần phải bằng phẳng, cao hơn xung quanh nếu không sẽ là nơi tích Thủy gọi là “thủy lý miên” (ngủ trong nước). Nếu trong huyệt có nổi các chỗ như bong bóng thì cát gọi là “Thủy lý tọa” (ngồi trong nước).
Các nhà phong thủy học chú trọng độ ẩm của huyệt mộ. Phép táng huyệt oa nên chú ý độ sâu vừa phải. Nếu quá sâu thì bị âm sát, nếu quá nông thì sinh khí tản. Sách “Kham Dư mạn hứng” viết: “Rộng hẹp sâu nông nếu hợp cách, gia chủ no ấm mãi mãi”.
Huyệt oa kỵ nghiêng, dốc, lệch. Nếu lệch hoặc dốc thì không thành huyệt oa. Gia chủ tọa ở thế huyệt này thì họa khôn lường.
Huyệt oa phải cong, tròn như tổ chim, hai bên trái phải không được lệch dốc. Nếu thấy hình xẻng hót rác, lở, lõm là hình sa hung (xấu). Sách “Kham Dư mạn hứng” nói: “Không nên chôn vào huyệt oa giả. Khuyết một bên gọi là mộ huyết không vong. Nếu thấy lở, phá, lõm, lệch, vỡ, gia chủ con cháu chết yểu”.
Huyệt mộ có thế núi Cự Môn
Núi Cự Môn là một trong cửu tinh kết huyệt. Núi có hình dáng không nhọn không tròn mà rất vuông vức, mặt trước như cái cổng khổng lồ nên có tên gọi là Cự Môn.
Thế núi cao lớn, ngay ngắn, ít chi cước (ít khe, hẻm), xung quanh có nhiều núi bảo vệ.
Sách “Hám Long Kinh” viết: “Bên dưới núi vuông có núi bảo vệ như đàn dê”. Long mạch đến núi Cự Môn tươi tốt, đây là dãy núi cao, tôn quý nên không thể thiếu núi bao bọc. Nếu hình thế cô độc thì không cát, không nên xây nhà, đặt mộ ở đây.
Sách còn cho biết thêm: “Nếu núi Cự Môn độc hành không có núi bao bọc, hộ vệ chỉ nên xây đền miếu thờ thần phật”. Núi này rất kị hình thể nghiêng vẹo, mất tôn quý. Nếu trên đỉnh có nhiều vết nứt gãy, hình như ngọn lửa thì hóa thành Liêm Trinh ác hình.
Đây là ngọn núi cát, ngũ hành thuộc Thổ nên gia chủ và con cháu ngụ tại đây là những người trung lương, chính trực. Thế núi đầy đặn, con cháu lại càng hưng vượng, hưởng phúc lộc lâu dài.
Dương trạch nhà vuông, ngay ngắn, hiên nhà đều bằng phẳng, tường không khuyết là hình núi Cự Môn. Chủ nhà sẽ làm ăn phát đạt, giàu có.
Trong một vài trường hợp, thế núi ngắn nhọn, gia chủ sa sút, thất bại.
Huyệt mộ có thế Núi Liêm Trinh có đặc trưng gì?
Núi Liêm Trinh hay còn gọi là Hồng Kỳ (Cờ Đỏ) thuộc hành Hỏa, là một trong Cửu tinh kết huyệt. Thế núi cao to sừng sững, đỉnh nhọn màu đỏ pha đen như ngọn lửa xung thiên hùng vĩ. Nó thường được chọn làm Thái Tổ sơn.
Phần đỉnh núi được gọi là long lầu bảo điện. Thế long mạch lớn được các đồi núi làm bình phong che chắn. Chân long mạch như dải lụa bay, xuyên các núi đá mà đi, được các dòng sông bao bọc che chở, mạch đến phương Nam.
Núi này kết hợp với núi Tham Lang, Cự Môn, Vũ Khúc, Tả Phụ, Hữu Bật thì chủ nhân sẽ thăng quan tiến chức. Không được núi Liêm Trinh làm Tổ sơn thì các núi trên có kết huyệt cát nhưng không quý.
Núi Liêm Trinh có nhiều tảng đá to, ngũ hành thuộc Hỏa nếu làm núi chủ kết huyệt long mạch tốt, cát huyệt, chủ có uy quyền. Vì vậy, núi này còn được mệnh danh là Quyền tinh (Quyền lực chi tinh).
Dương trạch: Nóc nhà nhọn, tường cao và dài, hiên lộ là Liêm Trinh Hỏa trạch. Gia chủ gặp chuyện không hay. Trước nhà có gò thì chủ nhân nên cẩn trọng để tránh rủi ro.
Huyệt mộ có thế Núi Vũ Khúc có đặc trưng gì?
Núi Vũ Khúc là một trong cửu tinh kết huyệt. Hình dáng núi giống như chiếc chuông khổng lồ úp trên mặt đất. Đỉnh núi tròn, cao sừng sững, chân thoải hơi vuông.
Núi Vũ Khúc thuộc hành Kim. Nó là 1 trong 3 cát tinh (Tham Lang, Cự Môn, Vũ Khúc).
Nó gần giống với núi Tham Lang nhưng đỉnh không nhọn; giống núi Cự Môn nhưng đầu không bằng; giống núi Tả Phụ nhưng cao to và hùng vĩ hơn; giống núi Lộc Tồn nhưng không có chân núi.
Núi Vũ Khúc như lầu cao lớn, nếu có bình phong vạn trượng đằng sau thì chủ nắm giữ quyền trong tay hoặc có vị trí cao. Nếu đỉnh núi nguy nga, thanh tú, con cháu gia chủ thông minh, học giỏi.
Sách “Hám Long Kinh” nói: “Núi Vũ Khúc thuộc Kim, như ngọc khuê, chủ binh quyền, phú quý, thao lược. Nếu núi cao ngất làm bình phong, chủ tài hoa, tú phát, gọi là nho lâm”.
Dương trạch: nhà cửa sáng sủa, tường cao, lớn, vuông, hiên rộng là Vũ Khúc Kim trạch. Chủ phú quý, vinh hoa. Nhà kỵ tiền môn hung sa (gò hung) sẽ không tốt cho gia chủ nữ.
Huyệt mộ có thế núi Lộc Tồn
Núi Lộc Tồn là một trong số núi kết huyệt. Núi vuông tròn như chiếc trống, phần dưới phình to như chiếc hồ lô.
“Hám Long Kinh” của Dương Tùng Quân chia núi Lộc Tồn thành 9 loại căn cứ theo dạng núi như sau:
– Loại thứ nhất: Hình núi như chân trống, chân núi phân nhánh thành cặp cân xứng. Núi này kết hợp với Tham Lang, Hữu Bật, chủ đắc quý.
– Loại thứ 2: Hình núi kiểu bát úp, chân núi phân thành nhiều nhánh nhọn. Gia chủ ngụ tại núi này có uy quyền.
– Loại thứ 3: Chân núi như móng hạc, long mạch ẩn. Nếu xung quanh có gò Thanh Long Bạch Hổ đẹp thì là huyệt cát.
– Loại thứ 4: Hình núi lõm, chân phân nhánh không đồng đều. Thế núi này chỉ nên xây dựng đền miếu.
– Loại thứ 5: Chân núi phân nhánh từ đỉnh, chi cước huyệt mộ của núi phải hồi chuyển thì mới cát.
– Loại thứ 6: Thế núi như sóng lớn, huyệt cát phụ thuộc thủy triều.
– Loại thứ 7: Hình núi như rắn cuộn, giữ vai trò bao bọc núi chính.
– Loại thứ 8: Hình núi như mũ sắt, thế núi có kết huyệt quý.
– Loại thứ 9: Hình như hoa rụng, chỉ làm núi hộ vệ cho chủ sơn (tức núi có huyệt mộ).
Núi Lộc Tồn thuộc hành Thổ. Phải dựa vào hình dáng núi thì mới xác định đó là hung hay cát. Núi cát lập mộ gia chủ thì con cháu “làm nên ăn ra”. Hình núi Lộc Tồn ngay ngắn, phía trước có núi nhỏ đẹp tức núi có tượng quan chức. Đằng sau có “tua kiếm” (gò, chân núi phân nhánh) tức chủ có binh quyền. Nếu kết hợp với núi Tham Lang, Cự Môn, Vũ Khúc, Tả Phụ, Hữu Bật sẽ trở thành đất đại quý.
Phía chân núi Lộc Tồn phân nhánh nhiều nhưng không đều hoặc như càng cua, chân nhện, không có núi bao bọc thì chủ nhân mắc bệnh tật, hậu thế khó nên người. Bởi vậy, các nhà phong thủy kỵ núi này và coi là ác sơn.
Dương trạch (nhà ở) Lộc Tồn có nền cao thấp không đều, lầu gác nhấp nhô, 2 nhà phụ cao át nhà chính là Lộc Tồn Thổ trạch. Nếu tường nhà có đầu thú hoặc bị đường ngõ xiên cắt là hung.
Huyệt mộ có thế núi Phá Quân có đặc trưng gì?
Núi Phá Quân là một trong cửu tinh kết huyệt. Hình dáng núi giống như cờ đuôi nheo. Phía trước cao sừng sững, có nhiều ngọn, phía sau thấp, kéo dài, hai bên nghiêng. Điều này cũng được Dương Tùng Quân viết lại rất rõ trong “Hám Long Kinh”.
Tại núi này có thể đặt huyệt mộ nhưng phải kết hợp thành cặp như: Tham Lang – Phá Quân, Cự Môn – Phá Quân, Lục Tồn – Phá Quân, Vũ Khúc – Phá Quân, Liêm Trinh – Phá Quân, Tả Phụ – Phá Quân, Hữu Bật – Phá Quân thì mới tốt.
Núi Phá Quân trong ngũ hành thuộc Kim. Thế núi ác hiểm, lồi lõm, minh đường không che chắn, núi Thanh Long, Bạch Hổ không đẹp, chân núi lộn xộn là núi Phá Quân đại hung.
Các huyệt cát gặp núi Phá Quân, phần lớn phạm kỵ sát. Vì vậy khi chọn đất đặt huyệt cần xem xét hình thế núi để tránh đại họa.
Dương trạch: Nhà ở cao, đất hẹp, tường long lở, hiên như lá trúc buông là Phá Quân Kim Trạch. Nếu ở trên địa thế này, gia chủ tan cửa nát nhà. Trong trường hợp trước nhà có gò hung, gia chủ dễ mắc bệnh.
Huyệt mộ có thế Núi Tham Lang có đặc trưng gì?
Núi Tham Lang là một trong cửu tinh kết huyệt. Hình dáng núi giống cây măng mới mọc, đỉnh núi bằng, bốn mặt núi tròn.
Núi Tham Lang có 12 dạng khác nhau. Loại cát (tốt) có đặc điểm: nhọn như măng mới mọc; trên nhỏ dưới to; xung quanh tròn trịa; đỉnh bằng phẳng mà tròn, thanh tú. Loại hung (xấu) chỉ hình núi đổ nát, nứt nẻ, mặt nhọn, thân vẹo, núi có nhiều đá kỳ quái.
Núi Tham Lang ngũ hành thuộc Mộc. Mộc – Hỏa tương sinh, nên lấy núi Liêm Trinh thuộc Hỏa làm Thái Tổ sơn là tốt. Nếu núi Tham Lang cách xa núi Thái Tổ Liêm Trinh khoảng chục, trăm dặm thì kết huyệt đại quý.
Núi Tham Lang thuộc cát tinh. Gia chủ ngụ tại đây sẽ hưởng nhiều phúc lộc. Nếu được núi Tham Lang tú lệ, có quần sơn bao bọc, gia chủ và con cháu tất là quan văn hoặc đời đời được phúc ấm.
Trong dương trạch, nóc nhà cao, tường nhấp nhô, hiên nhà ôm bao bọ là nhà Tham Lang Mộc hình. Chủ nhân sẽ nổi tiếng về văn chương.
Trạch Mộc Tham Lang kỵ trước cổng có hung sa (gò hung). Điều này không tốt cho con cháu của gia chủ, đặc biệt là con trai.
Các yếu tố về long mạch và huyệt mộ quyết định phần lớn đến phong thủy mộ phần nơi người chết nằm xuống. Ngoài ra, các yếu tố về kích thước, kiểu dáng, hình dạng,… của ngôi mộ cũng ảnh hưởng đến phong thủy của khu mộ. Hy vọng bài viết trên đây phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về cách chọn lựa nơi chôn cất người quá cố phù hợp với vận mệnh và thuận theo phong thủy mộ phần sẵn có.
Nếu các bạn có nhu cầu trong việc xây dựng các khu lăng mộ đá, mộ đá và cần tìm một cơ sở có uy tín để xây dựng công trình mộ phần này. Vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ bên dưới để được tư vấn thiết kế khu lăng mộ đá, mộ đá chuẩn theo phong thủy mộ phần.
Liên hệ
Lăng mộ đá Ninh Bình
Địa chỉ: Làng nghề đá Ninh Vân – Hoa Lư – Ninh Bình
Số Điện Thoại: 0973.699.505
Trang web: https://langmodaninhbinh.info
Chúng tôi xin cam kết đem lại các sản phẩm chế tác từ đá với chất lượng tốt nhất và giá cả hợp lý theo thị trường.